Quy tắc tập cho trẻ ăn giặm
28/05/2020 21:40
Chúng ta nên tập cho trẻ ăn giặm như thế nào?
Quy tắc 1: Cho trẻ ăn thức ăn từ sệt đến đặc dần, từ ít đến nhiều, một vài thìa hôm đầu, hôm sau cho ăn thêm.
Nếu trẻ thích ăn thêm thì cho trẻ ăn thêm, nhưng tốt nhất cha mẹ nên quan sát đáp ứng của trẻ đối với thức ăn như thế nào để quyết định lượng thức ăn cho trẻ.
Quy tắc 2: Chọn thực phẩm từ ít dị ứng đến mức có khả năng bị dị ứng nhiều hơn. Tinh bột hay rau củ hầu như không có dị ứng, do đó, có thể thử cho trẻ bắt đầu ăn bột gạo, bột ngũ cốc, rau củ nghiền. Các loại rau xanh như: cải thìa, bó xôi…chứa nhiều chất sắt; rau cần tây: Cung cấp lượng vitamin K dồi dào; ít dị ứng, nên cha mẹ có thể dùng để trẻ bắt đầu ăn giặm. Các loại củ, quả như: bí đỏ, cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí xanh, củ dền đỏ, củ cải trắng. Các loại hạt: óc chó, hạt đậu, hạt mè…
Các loại quả: Chuối, bơ, đu đủ, táo, lê…xay nhuyễn hoặc các mẹ có thể mix với nhau để đổi khẩu vị cho bé.
Từ tháng thứ 7, cha mẹ có thể giới thiệu đạm thịt cho trẻ. Tuy nhiên, đạm là loại thực phẩm gây dị ứng nhiều nhất, vì thế, cha mẹ không nên cho trẻ ăn một số thực phẩm như: lòng trắng trứng, hải sản. Những loại cá nước ngọt thì ít gây dị ứng hơn cá biển do cá biển chưa histidine có thể chuyển hóa thành histamine trong cơ thể gây dị ứng.
Ngoài ra, một số loài cá biển chứa thủy ngân (thủy ngân gốc muối không bay hơi dù ở nhiệt độ cao ) mà hệ tiêu hóa của trẻ không đủ sức để lọc hết thủy ngân khiến trẻ có thể hấp thụ nhiều thủy ngân, ảnh hưởng đến sự phát triển của não, tạo máu…
Đặc biệt không được cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong vì có chứa độc tố botulinum gây yếu liệt cho trẻ.
Nguồn thông tin: Tổng hợp
Theo BS. Nguyễn Trí Đoàn_” Để con được ốm”